(PLO)- Nhân ngày 20-11, các nhà giáo đã chia sẻ nhiều kỷ niệm, tâm tư về tình thầy trò và tri ân các thầy cô, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Phần thưởng lớn nhất của thầy cô là sự thành đạt của học trò
Thời nào thì tình thầy trò cũng gắn bó, đây là nét văn hóa truyền thống, tốt đẹp của riêng Việt Nam. Chỉ khác nhau cách thể hiện tình cảm đó mà thôi. Trước đây, học trò nhút nhát hơn bây giờ, do đó cách biểu lộ tình cảm rụt rè, kín đáo hơn. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế, từ đó văn hóa cũng được du nhập một phần từ các nền văn hóa khác nhau. Cách biểu lộ tình cảm cũng dần bị chi phối, thay đổi từ nhút nhát, rụt rè sang mạnh dạn, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào thì những giá trị cốt lõi nhất về tình cảm thầy trò sẽ không bao giờ nhạt phai.
Ngày 20-11 hằng năm là dịp học trò, cha mẹ học trò thể hiện lòng thành, sự tri ân đối với người dạy dỗ, giúp đỡ họ, con họ. Quan điểm của tôi, phần thưởng lớn nhất đối với thầy cô là sự thành đạt của các thế hệ học trò. Sự cư xử lễ phép, thành tâm của học trò cũ khi gặp lại mình là điều quý giá nhất đối với thầy cô.
ThS ĐẶNG VĂN SÁNG, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng
Nhớ thương những lớp học trò cũ…
Cứ đến ngày nhà giáo, niềm vui lớn nhất của tôi là thấy các thế hệ học trò cũ ùa về trường thăm hỏi, tặng những tấm thiệp do các em tự tay làm với những lời chúc thân thương. Nhiều em đã học lên các cấp học lớn hơn nhưng vẫn ghé trường trò chuyện cùng tôi, nhắc lại những bài học, những kỉ niệm cũ khiến tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Nhờ đó, tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều, thấy được công lao của mình trong đó, thấy được mình đã làm những gì để học trò nhớ đến, được nhìn các em trưởng thành qua từng năm tháng…
Còn đối với các học sinh tôi đang giảng dạy, chỉ cần ngày này, các em nhớ đi học đầy đủ để chúc mừng cô bằng lời, học thật tốt, chăm ngoan, hoặc vài tấm thiệp, món quà nhỏ… là tôi mừng lắm rồi. Tôi trân trọng tất cả những món quà là tấm lòng từ học trò gửi đến mình vì đó là dịp để các em bày tỏ.
Cô Dương Bích Phượng, giáo viên trường tiểu học giồng Ông Tố
(Quận 2, TP.HCM)
Sức mạnh từ những món quà nhỏ của học sinh
Cứ mỗi dịp ngày nhà giáo, với chúng tôi, được nhìn thấy không khí rộn ràng khắp mọi nơi trong học sinh, trong trường học, từ không gian ngập nắng và hoa, những tíu tít của học trò… đã trở thành những niềm vui thân thuộc. Năm nào cũng thế, các em đều chuẩn bị “tinh thần 20-11” gần cả tháng trời. Nào là giục nhau đến lớp với áo quần tươm tất hơn, không còn tình trạng đi trễ hoặc không thuộc bài, ngay cả những bạn nhút nhát nhất cũng đưa tay phát biểu xây dựng bài để thầy cô vui….
Có lớp “hùn” tiền ăn sáng gần cả tuần nay để bàn nhau mua tặng cô sấp vải để cô may áo dài khiến cô giáo khi cầm món quà của lớp mà rơi nước mắt. Có lớp cử lớp phó lao động chở lớp phó văn thể chạy hàng chục cây số lên phố chỉ để tìm mua những quyển sách mà thầy cô thích đọc nhất. Có lớp, may mắn có bạn khéo tay, vẽ tranh tặng thầy cô giáo. Nhiều bạn không vẽ nhưng là người bàn hăng hái nhất. Nhìn những bức tranh giản dị, đầy tình yêu thương cũng khiến thầy cô ôm trò vào lòng mà đong đầy nước mắt…
Thế đấy, ngày nhà giáo chỉ với những món quà ấy đã chứa chan tình thầy trò, tri ân biết bao nhiêu, chúng quý hơn cả vàng bạc kim cương. Nó trở thành động lực cho chúng tôi gắn bó từng bài giảng của những tháng năm tiếp theo.
Thầy Huỳnh Văn Thế, giáo viên Trường THPT Mang Thít
(tỉnh Vĩnh Long)
Chỉ mong 20-11 là ngày nhà giáo đúng nghĩa
“Sắp 20/11 rồi, cô sướng nhé!”. Mỗi khi nghe nhiều người chào tôi với câu nói ấy khiến tôi lại sượng sùng và đau đớn giấu mặt đi tránh cả nụ cười đáp lễ. Tôi thậm chí những ngày này không dám đi siêu thị, không dám đối mặt với dãy hàng hóa đóng gói sẵn vô tri có gắn một tấm thiệp in sẵn những câu chúc vô hồn. Buồn lắm vì đứng gần đó là những phụ huynh săm soi lựa chọn. Họ nghĩ rằng tình yêu của chúng tôi dành cho con họ sẽ tỉ lệ thuận với đồng tiền họ bỏ ra.
Không, chúng tôi chỉ hạnh phúc, hạnh phúc tột cùng khi ngày 20-11 lũ trò cũ kéo nhau về ôm lấy chúng tôi mà khoe rằng môn tôi dạy chúng là top của lớp mới. Tôi xúc động đến trào nước mắt khi chúng âu yếm vuốt tóc tôi : “con nhớ cô lắm cô à”, và “mỗi khi tới giờ hóa con lại nhớ từng câu cô nói ngày xưa”.
Tôi tin rằng không chỉ mình tôi mà hàng trăm ngàn đồng nghiệp của tôi vẫn thực sự hạnh phúc với niềm vui nhỏ bé nhưng tuyệt vời ấy như tôi. Trong đó có những món quà được tặng với mục đích yêu thương và trân trọng đã khiến chúng tôi nhớ mãi. Đó là những chiếc thiệp tự làm của bọn trẻ mà chúng đã kỳ công sáng tạo rất độc đáo, ghi những câu chúc mà khi đọc không thầy cô nào có thể cầm nước mắt. Đó là những bức thư mà mỗi lần giở ra đọc lại thì tim tôi như tan chảy. Sao mà những món quà tuyệt vời ấy ngày càng ít dần vậy nhỉ?
Có một lần tôi nhận được một tấm thiệp của 4 cô bé cùng viết chung, mỗi bé chọn một màu rất rực rỡ với mong muốn là tôi sẽ chỉ chú ý đến dòng của cô bé ấy. Chỉ vài dòng nhưng cảm xúc chân thật của chúng đã làm tôi bàng hoàng vì xúc động. Đó là những cảm xúc mà bất kỳ ai làm ở ngành nghề khác không bao giờ có được cho dù họ thành công đến đâu.
Một lần khác , tôi nhận được một chiếc hộp nhỏ chứa đầy những chiếc kẹp tóc xinh xắn mà một cô bé học trò để dành tiền mua dần mỗi tuần một cái cho tôi. Tôi đã bật khóc và giữ nguyên hộp quà ấy cho đến nhiều năm sau…
Và một lần khác nữa, tôi nhận được một bức thư từ một học sinh cũ, em ấy kể cho tôi nghe về món quà tôi thưởng cho em khi em tiến bộ đã làm thay đổi cuộc đời em, biến em từ một đứa trẻ nhút nhát trở thành tự tin và sau đó em đã đỗ thủ khoa vào trường Đại học Kiến trúc với điểm Hóa 10 tròn tuyệt đối !
Đó là những món quà giá trị nhất đời tôi mà chúng tôi cần được nhận hơn bất kỳ món quà nào , bởi vì cái nghề Giáo vốn cần lắm “thức ăn” cho trái tim mình! Tôi tin rằng không chỉ mình tôi mà hàng trăm ngàn đồng nghiệp của tôi vẫn thực sự hạnh phúc với niềm vui nhỏ bé nhưng tuyệt vời ấy như tôi.
Chúng tôi không cần hoa quà, chúng tôi cần được sống trong sự kính trọng của xã hội và của những đứa trẻ vì chúng tôi không chỉ dạy cho chúng kiến thức, chúng tôi còn có trọng trách dạy chúng làm NGƯỜI.
Cô Tô Thụy Diễm Quyên, giáo viên Trường THCS Đức Trí, Quận 1
Tri ân mà bằng cái tâm
Dẫu biết rằng, ai cũng muốn Thầy mình luôn hạnh phúc, không bị thiếu thốn cả về tình cảm và vật chất, nhưng thứ tự ưu tiên phải là tình cảm. Người Thầy của Tôi đã có câu nói bất hủ: “Mọi cái rồi sẽ qua đi hết, chỉ còn một điều duy nhất ở lại, đó là tình cảm!”. Tôi luôn lấy điều này để tự nhủ mình trong lúc khó khăn hoặc cả lúc đang vui. Nên tri ân thầy cô thế nào? Tri ân mà bằng cái tâm, là cái bản chất bên trong thì mới bền vững và đúng nghĩa. Dẫu biết rằng Người Thầy giàu tình cảm mà bị thiếu thốn vật chất cũng đau khổ lắm chứ, cũng băn khoăn lắm chứ. Sự tri ân bây giờ khá phong phú, nhưng phải nên lấy sự khởi đầu và kết thúc phải là tình cảm, tâm huyết của học trò.
Đối với tôi, học trò bây giờ cũng khá nhiều. Các em có nhiều công việc khác nhau, thậm chí cương vị cũng rất cao. Chủ yếu là tấm lòng hướng về Thầy Cô. Dịp này nếu thuận tiện về trường dự Lễ được thì tốt. Nếu vì công việc bận rộn thì chỉ cần 1 tin nhắn, 1 dòng trên facebook, zalo, Viber… thì sẽ rất ý nghĩa và cũng góp phần ùn tắc giao thông mà các em không bị ảnh hưởng đến công việc…
TS. TRẦN ĐÌNH LÝ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM
Nguồn: Báo pháp luật Tp.HCM